THE FIRST CONTEMPORARY ART STUDIO IN HANOI - VIETNAM, ESTABLISHED SINCE 1998

My photo
Ba Dinh, Ha Noi, Vietnam
House on Stilts - Street address: Nhà sàn anh Đức, Ngõ 462, Đường Bưởi, Quận Ba Đình, Hà Nội, Việt Nam --- email: nhasananhduc@gmail.com Telephone: 84 (0) 4 762 5452 This stilted Mường ethnic minority house (nhà sàn), relocated from Hòa Bình Province to the western suburbs of Hà Nội, is one of the capital’s most active centres for installation and performance art. The upper storey is a treasure-trove of old statues and other artefacts, many of which are on sale to the public. The ground floor area beneath the house is used for exhibitions, installations and performances by contemporary artists.

Thursday, 31 July 2008

Đức nhà sàn và những đam mê "dớ dẩn"


Ngôi nhà sàn của gia đình anh lọt thỏm giữa hàng chồng nhà chung cư cao tầng trong khu Vĩnh Phúc (xưa là làng hoa Vĩnh Phúc), đi lại bao nhiêu lần mà hầu như lần nào gần đến nơi, chúng tôi cũng vẫn phân vân không biết còn bị lạc nữa hay không.


Đã có lúc chúng tôi hình dung kiểu trò chuyện của anh cũng giống hệt cái mê hồn trận ấy; anh mở ra rất nhiều cách để người đối diện tưởng có thể dễ dàng trò chuyện và hiểu được mình, hoá ra sai bét...

Mê mỹ thuật đương đại vì không hiểu biết gì...

Đầu thập niên 80 thế kỷ trước, sau khi dời quân ngũ, Đức về làm cán bộ cho UNIMEX Hà Nội. Nhiệm vụ chính là hướng dẫn các thợ thủ công làm hàng cho đúng mẫu mã, và cùng họ sáng tác thêm những mẫu mới vừa bán được vừa phù hợp đặc tính nguyên liệu.

Cty khi đó xuất khẩu đủ loại hàng mỹ nghệ truyền thống nên anh có điều kiện lân la ở rất nhiều làng nghề, đặc biệt là các làng nghề làm đồ mộc.

Anh yên trí làm ở đó có dễ đến hơn 10 năm, kéo được cả cậu em Trần Lương, người mà về sau là cú hích lớn với anh để rẽ sang với nghệ thuật đương đại, về làm cùng.

Mải mê “làm ăn cá thể” để rồi có lúc, chính cái sự làm ăn đấy quật cho anh một vố đau để đời, hàng chục năm qua rồi mà đến nay, nợ vẫn còn một đống, nợ nọ chồng sang nợ kia. Anh nói đã có lúc, anh phải vẽ tranh để bán.

Nói “phải” vì anh vẫn tự hào ngầm như lời bố nói: Trong nhà, anh là đứa vẽ tranh có tình cảm nhất, màu đẹp nhất, nếu đeo đẳng nghề này, anh chắc chắn không kém ông anh Thành Chương hay bà chị Nguyễn Thị Hiền.

“Hồi đó, tranh của tôi bán cũng được. Nhưng tôi không thể kéo dài tình trạng vẽ tranh như vậy vì nói thật, tôi thấy xúc phạm thế nào ấy... – Anh cười, vừa buồn buồn, vừa hơi tinh quái - Tôi ít vẽ, có thể do ít cố, mà cũng có thể do tôi tỉnh quá?! Tôi nghĩ nếu mình vẽ thì cố cũng được như họa sĩ A, hay gần bằng họa sĩ B. Các ông bảo nếu đã biết đến thế thì còn vẽ làm sao được nữa?!”.

“Một cái khác, là từ lâu, trước khi biết đến nghệ thuật mới, tôi nhìn tranh của mọi người, luôn thấy “không chịu”, chẳng biết tại sao. Cả cái mình vẽ ra tôi cũng “không chịu”. Mãi sau mới lý giải được mình ghét lối mòn, mình cứ mong chờ, bảng lảng trong đầu một cái gì mới” – Anh tự lý giải.

Cú va đập lớn đó của đời sống khiến cho một người có tư chất nghệ sĩ như anh tự co lại, chỉ còn biết tiếp tục “cày” đồ gỗ giả cổ để vừa kiếm ăn, vừa trả nợ.... Cho đến một hôm, Trần Lương gặp, bảo có triển lãm mới của Lương, mời anh qua xem.

Thì đi cho biết vậy, anh đã nghĩ thế nhưng không thể ngờ… Triển lãm đó diễn ra trong một gallery tư nhân. Không chỉ có bày tranh treo tường đơn thuần như mọi hình dung đơn thuần khi đó về một triển lãm hội họa.

Ở đó, còn có cả những đụn, những đống dây thừng, cùng nhiều vật dụng phụ trợ khác được nghệ sĩ sắp đặt tạo nên những hình hài làm đảo lộn tư duy đơn thuần của người xem về chính vật dụng ấy, về chính các hình hài ấy.

Đức không có chuẩn bị nào về tinh thần để đón nhận sự thay đổi này. Song anh thấy triển lãm hay quá, hay ở chính cái sự đảo lộn làm phá vỡ cái thói quen tư duy đơn thuần kia.

Sau triển lãm, anh chỉ biết nói với Trần Lương rất thật thà: Anh cũng chưa hiểu gì mấy nhưng thích lắm. Anh có khu nhà sàn đấy, có thể làm được gì cùng nhau thì làm. Lương đáp: Chơi luôn!

Có thể so sánh, cái triển lãm sắp đặt của Trần Lương đó không khác gì mấy so với cú va đập làm ăn kia của Đức. Ở chỗ nó một lần nữa làm con người anh quay ngoắt lại với những gì tưởng chừng đã tạm êm xuôi trong đời. Nhu cầu sống với nghệ thuật tưởng đã nằm im đâu đó trong anh, lại thức dậy. Và lần này, không còn dập tắt được.

Đức “nhà sàn”: Tên trong chứng minh thư nhân dân - Nguyễn Mạnh Đức. Tốt nghiệp Đại học Mỹ thuật Hà Nội.

Ông chủ Nhà sàn Studio - một trong số hiếm các địa chỉ triển lãm và ủng hộ mỹ thuật đương đại tại Hà Nội từ năm 1998. Là con trai thứ của cố nhà văn Kim Lân.

Đầu năm 1998, Nhà sàn Studio ra đời. Khách là “dân nghệ” và bạn bè của họ đã đông, khách nước ngoài đến đây thường xuyên cũng không ít.

Đức không thể nhớ chính xác Nhà sàn đã tổ chức được bao nhiêu triển lãm. Anh nói: Bốn, năm mươi cuộc gì đó.

Chỉ có điều, sự phong phú về thể loại, mô hình triển lãm (cá nhân, đôi, nhóm, tập thể đông người; sắp đặt, trình diễn, sắp đặt và trình diễn, tranh,…) cũng như sự đa dạng đối tượng nghệ sĩ tham gia (sinh viên, trẻ, gạo cội, Việt kiều, người nước ngoài,…) khiến cho địa điểm này sớm nổi tiếng.

Hay dở bàn sau, nhưng khá nhiều chuyên gia về nghệ thuật đương đại của các tổ chức văn hóa quốc tế phi chính phủ, các bảo tàng, gallery nước ngoài, các tạp chí, chuyên san, các nhà sưu tập nghệ thuật cá nhân, khi đến Việt Nam và có ý muốn nghe ngóng chút gì về nghệ thuật đương đại, hầu như không thể bỏ qua Nhà sàn.

Tụ rồi tan, làm rồi bỏ...

“Có nhiều sinh viên mỹ thuật đến đây, nói muốn làm nghệ thuật mới. Tôi bảo, đấy nhà xưởng đấy, em (cháu) thích làm thế nào thì tuỳ. Tôi chỉ có thể tạo ra một không gian thật thoải mái, tự do cho các em, còn lại, tuỳ chúng. Miễn là có những hoạt động để mình được sống vui.

Vợ tôi, lâu lâu, lại chép miệng: Lâu quá, không có gì, ới anh em lại một cuộc cho vui đi. Thế là lại làm!...”Anh đã nhiều lần tự nhận: Tôi là người nhã nhặn, không quyết liệt nhưng lại có khả năng tập hợp. Tôi chơi được với nhiều loại người lắm, cả trong nghệ thuật lẫn trong đời sống.

Một lần, công an khu vực đến nhà, nói với Đức: Có dư luận phản ánh khu nhà sàn này thường xuyên có các hoạt động “gây mất trật tự an ninh”. Anh bảo, chắc tại người ta thấy nghệ sĩ ra vào đây suốt ngày, rồi đàn sáo hát ca, có khi đến một, hai giờ khuya,…

Chưa hết, lâu lâu lại tụ bạ làm những thứ triển lãm gì đó, không thể hiểu được- “như một lũ vô công rồi nghề - Anh cười lặng lẽ - Có lẽ, họ rất nghi hoặc về cách thức sinh hoạt ở ngôi nhà sàn này, như thể chúng tôi là nhóm “có nguy cơ cao” làm chuyện gì đó không hay cho cộng đồng.

Trong khi đó, xung quanh, vẫn có người chơi đề đóm, rồi đuổi đánh nhau chạy huỳnh huỵch, xe chở cát sỏi ầm ầm suốt ngày đêm, xe máy đi về khuya rồ ga ầm ĩ, lại chả thấy bị coi là mất an ninh trật tự bao giờ?!”…

Sau, anh cũng tìm ra được một cách làm “mềm hóa” mối quan hệ với địa phương. Mỗi khi tổ chức triển lãm, anh đều thông báo trước với chính quyền, nhờ tổ dân phòng và công an khu vực giúp việc giữ trật tự…

“Từ đó, không thấy ai đến nhà nhắc nhở gì tôi nữa. Thậm chí, lâu không có hoạt động nào, họ lại còn hỏi han sao lâu thế, không có cuộc gì…” Anh lại cười - một kiểu cười lặng lẽ, của người đã tự mình nhẹ hóa đi cái đời sống vốn nghĩ ra thì thật nặng nợ và nặng đầu.

Sau triển lãm 5 năm - Nhà sàn Studio (năm 2003), hoạt động nghệ thuật ở đây cũng đã lắng lại. Một phần vì sự tham dự của các trung tâm văn hóa nước ngoài vào đời sống nghệ thuật đương đại Việt Nam như Viện Goethe, Trung tâm văn hóa Pháp, Hội đồng Anh; vị thế xã hội của họ là một sức hấp dẫn quá lớn đối với nghệ sĩ.

Phần khác, sang đến năm 2003 và từ đó trở đi, bối cảnh hoạt động nghệ thuật đương đại ở Hà Nội cũng có nhiều biến động. Nhưng đam mê của Đức không vì thế mà bị ảnh hưởng.

“Mấy tháng trước, tôi đã tưởng sẽ có thể khai trương được một quán cà phê trên đường Xuân Diệu. Đã định lấy tên là Cafe Video Art. Ở đó, tôi bày mô hình thu nhỏ một số sáng tác sắp đặt của anh em nghệ sĩ mình mà tôi thích.

Ngoài ra, cũng sẽ có chỗ chiếu những video art. Mọi thứ chuẩn bị xong hết, phần hầm để trưng bày các sáng tác cũng đã đâu vào đấy. Thế rồi lại không thành. Cũng mất thêm một số triệu. Chuyện này chẳng có mấy ai biết đâu... - Đức rủ rỉ, một hơi dài rồi lại cười lặng lẽ như vẫn vậy.

Hỏi anh: Cuối cùng, anh thấy mình bị điều tiếng thị phi nhất là về những chuyện gì? - Tiền- anh đáp nhanh và ngắn gọn- Như đã nói đấy, mình nợ nần nhiều lắm, nợ chỗ nọ quàng chỗ kia. Thế nên, có lúc thấy bản thân lèm nhèm về chuyện tiền bạc với người khác. Có lần, mình vay của một bạn họa sĩ 1.000USD, mà dây dưa đến hai năm sau mới trả được.

Hắn thì thoải mái thôi, song cũng có lúc bí, nhắc mình....”- Thế mà khi đó, anh vẫn có tiền cho cái kế hoạch rối nước đương đại ấy? - Thế, thế mới thành chuyện. Nói chung, đam mê của tôi thật dớ dẩn lắm!!!”

Sẽ phải bán nhà sàn để trả nợ

Ngoài nỗi đam mê nghệ thuật dớ dẩn ấy ra, anh vẫn phải mải miết làm đồ giả cổ để trả nợ. “Nhưng sẽ chẳng bao giờ trả hết được nếu như tôi không bán khu đất và căn nhà sàn này đi.”- “Và anh sẽ mua một chung cư, sống bình lặng?”- Không, tính cả rồi - Anh cười cười- Hiện tại, một nhóm chúng tôi đã “khoanh vùng” một đỉnh đồi ngay kế chùa Trăm Gian, để dựng nhà sàn cạnh nhau mà ở và đầu tư thời gian sáng tác cho yên đời.

Nguyễn Minh Thành đang dựng nhà rồi. Cạnh khu của Thành sẽ là Nguyễn Quang Huy, Nguyễn Minh Phước (tên của một số nghệ sĩ mỹ thuật đương đại Hà Nội)...

Tôi thì chưa khoanh cụ thể chỗ nào nhưng chắc chắn sẽ có một chỗ. Khu nhà sàn trên đó sẽ lại là nơi để các nghệ sĩ, các bạn trẻ tự do sáng tác, bày biện. Tôi cũng nghĩ nơi đó yên tĩnh vậy, chắc tôi sẽ vẽ lại được, mà tôi cũng muốn vẽ...”.

Đức bảo: Khi nào bán khu nhà này đi, anh sẽ giữ lại đôi cánh cổng. Nó cũng chính là một tác phẩm của anh, được làm nhân kỷ niệm 5 năm- Nhà sàn Studio.

Cũng chẳng có gì phức tạp, chỉ là dán kín lên đó ảnh chân dung của những người bạn của Nhà sàn, những người mà đôi cánh cổng ấy đã mở ra đón họ không biết bao lần... Kín đặc mấy mét vuông ảnh và nay đã cũ, ố vàng, nhiều chiếc đã rách, đã bị tróc ra... dấu tích thời gian, dấu ấn tình cảm...

Những gương mặt, nhiều người cười tươi, nhưng cũng có những khuôn mặt rất “ngầu”. Có chỗ đã bị trẻ con xé nghịch. Phía xế xế cạnh cổng là lổng chổng vài chục con chó đá. Số chó này của một người bạn trong Thanh Hóa đục ra nhiều quá, nhờ anh bán hộ. 400 nghìn đồng một con!

Đấy là chó đá mới, chứ chó đá cổ Đức sưu tầm nhiều. Trong nhà anh lổng chổng các loại, chẳng biết bao nhiêu, cái giả, cái thật, chỉ anh biết. Lổng chổng và bề bộn, như cuộc sống của anh và nhiều nghệ sĩ giữa lúc giao thời này: Loay hoay giữa cũ và mới, giữa nghệ thuật đích thực và đồng tiền, giữa yên nhàn và tốc độ đầy bụi bặm...

Hà Nội đầu thu 2007

(Theo_Tien_Phong) Thủy Vân - Lê Anh Hoài