THE FIRST CONTEMPORARY ART STUDIO IN HANOI - VIETNAM, ESTABLISHED SINCE 1998

My photo
Ba Dinh, Ha Noi, Vietnam
House on Stilts - Street address: Nhà sàn anh Đức, Ngõ 462, Đường Bưởi, Quận Ba Đình, Hà Nội, Việt Nam --- email: nhasananhduc@gmail.com Telephone: 84 (0) 4 762 5452 This stilted Mường ethnic minority house (nhà sàn), relocated from Hòa Bình Province to the western suburbs of Hà Nội, is one of the capital’s most active centres for installation and performance art. The upper storey is a treasure-trove of old statues and other artefacts, many of which are on sale to the public. The ground floor area beneath the house is used for exhibitions, installations and performances by contemporary artists.

Thursday 31 July 2008

Nghệ thuật đương đại Việt Nam

Sắp đặt "Đồng phục" của Nguyễn Mạnh Hùng (Ảnh: Heritage Fashion)



Gian nhà sàn của vợ chồng hoạ sĩ Minh Đức luôn đầm ấm bởi các hoạt động nghệ thuật diễn ra thường xuyên tại đây. Điều đó tạo nên những dòng chảy kiên nhẫn cho nghệ thuật đương đại Việt Nam.

Năm 1990, anh Nguyễn Mạnh Đức, một hoạ sĩ đã lâu không thấy vẽ những bức tranh mới, mang một ngôi nhà sàn về dựng ở gần chợ Bưởi - phía Tây Bắc Hà Nội. Ngôi nhà im lìm nép mình bên làng Ngọc Hà, một làng trồng hoa lâu đời của Hà Nội. Anh Đức sưu tầm đồ cổ và thành lập một xưởng phục chế đồ cổ. Ngôi nhà dần trở nên có nhiều người qua lại.

Gần 1 km dẫn vào nhà sàn vẫn còn là lối nhỏ và đôi chỗ bị lầy lội giữa một bãi cỏ và hoa dại mọc hoang sơ. Sợ mọi người lạc lối nên anh Đức đã cho cắm những biển đánh mũi tên dẫn tới lối vào nhà. Người xem triển lãm khá đông, ước chừng khoảng 200 người, hầu hết đều là hoạ sĩ, nhà nghiên cứu, nhà phê bình nghệ thuật hay nhà báo và những người nước ngoài thân quen làm việc tại Hà Nội. Kể từ triển lãm đầu tiên của hoạ sĩ Trần Lương, cứ cách vài tuần hay một tháng lại có một triển lãm và cho đến nay, có thể gọi Nhà sàn của anh Đức là Gallery tư nhân phi lợi nhuận đầu tiên của Hà Nội.

Hà Nội vốn là một thành phố nhỏ, nhưng từ chính sách đổi mới của Đảng, dân số đã tăng lên. Vì thế nhà cửa, phố phường cũng được xây thêm, buôn bán tấp nập hơn…, mọi thứ mới du nhập vào Hà Nội trong đó có cả nghệ thuật đương đại. Nghệ sĩ trẻ Việt Nam bắt đầu làm triển lãm Sắp đặt, Trình diễn, Video Art. Và ngôi nhà dân tộc Mường của anh Đức trở thành nơi để các nghệ sĩ trẻ đến gặp mặt, chuyện trò và triển lãm, trình diễn. Mọi người quen gọi nhà anh là "Nhà sàn" và cũng gọi luôn tên anh là Đức Nhà sàn.

Anh Đức là con thứ tư của nhà văn Kim Lân, người nổi tiếng với truyện "Làng". Cũng như thế hệ cùng trang lứa, anh cũng tham gia chiến dịch chống Mỹ tại những chiến trường ác liệt như Quảng Trị, Thừa Thiên - Huế. Thật may mắn anh không bị thương tích gì. Sau thời gian ở bộ đội về, anh tiếp tục học đại học Mỹ thuật. Anh ham mê đồ cổ và nghệ thuật dân tộc truyền thống. Anh mơ ước nghệ thuật truyền thống được phát triển, luôn phát huy được những tinh hoa hay những tài năng vốn có của các nghệ sĩ. Anh thường mời bạn bè đến nghe và nói chuyện, bình luận về các bộ môn tuồng, chèo, ca trù.

Cơ duyên biến ngôi nhà sàn của anh thành nơi gặp gỡ của các nghệ sĩ cũng thật giản dị. Năm 1997, một lần khi đi xem triểm lãm sắp đặt đầu tiên mang tên Khởi thuỷ I của hoạ sĩ Trần Lương - một người bạn tri kỷ của anh, anh Đức thực sự bị bất ngờ và thích thú với hình thức nghệ thuật lạ lẫm này. Tất nhiên lúc đó mọi người thờ ơ hoặc không đồng tình với cái gọi là "sắp đặt" gì đó. Anh Đức mời Trần Lương cùng làm tại nhà anh những hoạt động mới như thế. Thế là Trần Lương làm Khởi thuỷ II tại nhà sàn của anh.

Tác phẩm đầu tiên này của Trần Lương là Khởi thuỷ, được làm chủ yếu từ dây thừng, một chất liệu mà từ rất lâu đời, người dân, nhất là người nông dân quen gắn bó hàng ngày với chúng để bó buộc, kết nối thay cho mọi thứ ốc vít hay đinh, keo, kẹp, kim loại, mối hàn… những ứng dụng của đời sống công nghiệp. Ý nghĩa của dây thừng được Trần Lương tết, bó và trình bày trên một nền không gian mà ở đó thời gian quện vào quấn quít như đời đời nhọc nhằn mà nhẫn nại, bám tìm và hút nhựa sống của muôn loài.

Sau đó là một loạt các chương trình sắp đặt của những nghệ sĩ ham mê nghệ thuật của sắp đặt. Không gian của nhà sàn thật là mộc mạc và gần gũi. Vì thế mà nó hậu thuẫn và tạo cảm hứng rất nhiều cho các nghệ sĩ sáng tạo.

Nguyễn Mạnh Hùng thì sưu tập những bộ quần áo bộ đội cũ nhưng không phải là của quân nhân đang mặc mà là của những người lao động chân tay nặng nhọc, vì họ toàn là những người nghèo và những bộ quần áo bộ đội mua ngoài "chợ đen" là vừa túi tiền nhất, lại tốt cho việc dầm mưa, dãi nắng. Anh nhúng tất cả chúng trong một dung dịch, làm cho chúng trở nên cứng và nhìn luôn như ướt. Đây là tác phẩm vừa hài hước vừa sâu sắc, lại vừa rất buồn cười về câu chuyện dài của người Việt Nam trong và sau chiến tranh, về sự lẫn lộn ngây thơ giữa sự thiêng liêng và đời thường của những bộ đồng phục.

Tác phẩm của Nguyễn Minh Phước dùng những mảnh nửa vỏ dừa, sợi bằng đay cùng những chiếc găng tay cao su, vỏ hộp coca - cola tạo nên một cảm giác hỗn hợp, lẫn lộn giữa những dấu hiệu của phương Tây và bản địa, giữa những ham muốn và sự giả trá như những bàn tay với lên những nấm mồ của nghĩa địa.

Một nghệ sĩ nước ngoài là Rodney Dickson đến từ New York, anh phải mẩt hai tháng để tạo nên những bức tranh trìu tượng với màu sắc ấm áp và gần gụi bằng chất liệu sơn mài Việt Nam trên những mành tre. Rodney còn mời những người bạn mà hầu hết là những nghệ sĩ viết những bài thơ, bức thư, hay bất cứ một kỷ niệm nào sâu sắc nhất của họ để dán lên những bức tranh của anh.

Nguyễn Minh Thành lại dùng ngay hơn 100 con chó cổ bằng đá do anh Đức đã sưu tầm lâu nay để xếp thành khung cảnh của một bữa tiệc.

Gần đây, Nhà sàn còn có cuộc triển lãm Sắp đặt và Trình diễn của một số sinh viên đang học tại trường đại học Mỹ thuật Hà Nội. Những tác phẩm đầu tay của họ nếu so sánh và liên tưởng với thế hệ làm nghệ thuật sắp đặt đầu tiên của Hà Nội cách đây 10 năm về trước thì thực sự khác nhau và có sự chuyển biến về nhận thức của thế hệ trẻ. Hiện nay lớp sinh viên mỹ thuật còn rất nhiều dự đinh và thể nghiệm sẽ thực hiện ở Nhà sàn. Có một mạch sóng ngầm về nghệ thuật đương đại đang chảy ở nơi đây!


Theo Nguyễn Minh Thành (Heritage Fashion)